15:50 | 08/04/2010
ĐỖ NGỌC YÊN Phế đô là một trong những cuốn tiểu thuyết đương đại của Trung Quốc, do Tạp chí Tháng Mười xuất bản từ năm 1993. Ngay sau đó nó đã có số bản in đạt vào loại kỷ lục, trên 1. 000. 000 bản tiếng Trung Quốc.
Ảnh: thuvien-ebook.com
Ngoài ra nó còn được dịch ra nhiều thứ tiếng như: Anh, Pháp, Đức, Nga, Hàn Quốc; và cuối năm 1999 Nhà xuất bản Đà Nẵng đã cho công bố bản dịch của Vũ Công Hoan ra tiếng Việt, dày hơn 1300 trang, hai tập. Tuy nhiên số lượng bản in và số thứ tiếng đã được dịch chưa thể nói gì nhiều về tác phẩm và tác giả của nó. Nhưng điều đó đã gợi cho tôi một suy nghĩ rằng tại sao Phế đô lại được một lượng lớn công chúng trên khắp thế giới đón đọc như vậy?Ở cái đất nước có số dân gần bằng 1/4 dân số thế giới với một truyền thống văn hóa đặc sắc và lâu đời, là một trong những cái nôi sớm nhất của văn minh nhân loại, và cũng là một đất nước được coi là trì trệ nhất về kinh tế cho đến những năm cuối của thập kỷ 70. Đấy là một hệ vấn đề kép với đầy những nghịch lý mà không phải ai cũng có được một cái nhìn thật sự khách quan và đầy đủ về nó. Thế nhưng chỉ từ khi mở cửa thì bức màn bí hiểm nơi đây mới được vén lên. Và có biết bao sự thật ở bên trong dần được sáng tỏ. Giả Bình Ao qua tác phẩm Phế đô của mình đã đem đến cho bạn đọc gần xa cái nhìn khái quát về một phần sự thật ấy. Phải chăng đấy là một trong những nguyên nhân khiến cho Phế đô trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận văn chương ở Trung Quốc kéo dài gần 10 năm nay và nó đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia nơi sản sinh ra tác giả và tác phẩm.
Cốt truyện của Phế đô rất đơn giản, chỉ xoay quanh vụ kiện của người tình cũ, Cảnh Tuyết Ấm với nhà văn nổi tiếng Trang Chi Điệp, nhân vật trung tâm của tác phẩm; Tổng biên tập tạp chí Tây Kinh, Chung Duy Hiền và một cán bộ tập sự biên tập, Chu Mẫn. Tuy nhiên qua đấy hàng loạt các mối quan hệ cá nhân và xã hội; gia đình và bằng hữu, kinh tế và văn hóa, tâm lý và tình cảm... của Trang Chi Điệp và các văn sĩ, trí thức, cũng như hiện thực đời sống xã hội đương đại Trung Quốc đã được đưa ra và lý giải một cách thấu đáo và đầy thuyết phục.
Trang Chi Điệp như một cái đinh đóng chặt vào mảnh đất Tây Kinh này. Và các nhân vật trong Phế đô đều được treo lơ lửng đâu đấy quanh cái móc của danh nhân Trang Chi Điệp. Mặc dù Giả Bình Ao chưa một lần nói đến nguồn gốc xuất thân, quá trình lao tâm khổ tứ, cùng những tác phẩm, công trình làm nên cái danh của Trang Chi Điệp, mà chỉ đề cập đến ảnh hưởng, uy tín và hậu quả của cái danh ấy. Thế nhưng thực sự cái danh của ông ta đã làm thay đổi từ hành vi ứng xử đến lối sống đạo đức và quan niệm nhân sinh cùng những hoạt động kinh tế xã hội của mọi cá nhân trong cái thành phố Tây Kinh thời mở cửa. Danh tiếng của Trang Chi Điệp đã làm biến đổi quan hệ giữa người và người. Nhưng đáng sợ là cái danh ấy đã có thể biến thuốc trừ sâu giả thành thuốc trừ sâu thật. Quả thực chỉ có ở các nước phương Đông nói chung và Trung Quốc nói riêng thì cái danh mới thật sự có giá và tác yêu tác quái đến như vậy.
Liễu Nguyệt, một cô gái thôn quê, mới học hết trung học phổ thông, tuổi đời còn hơ hớ, thật thà nết na là thế, sau khi được Triệu Kinh Ngũ đưa đến làm người giúp việc cho gia đình danh nhân Trang Chi Điệp đã nhanh chóng trở thành một đối tượng, một người tình, và là kẻ làm nền cho ông chủ. Khởi đầu Liễu Nguyệt cũng như bao cô gái quê mùa khác đã nhanh chóng bị choáng ngợp bởi những hào quang mới nơi chốn kinh thành đang hàng ngày hàng giờ thay da đổi thịt về kinh tế xã hội và cả về lối sống. Tiếp đến là sau những công việc nội trợ thường nhật là những cuộc tình vụng trộm, nhưng không kém phần đắm đuối, giữa một bên là danh nhân nổi tiếng Trang Chi Điệp, người luôn thích tìm cảm hứng mới lạ cho sự nghiệp sáng tác văn chương của mình và một bên là cô hầu gái quê mùa xinh đẹp, đang tuổi dậy thì, lắm tham vọng về ái tình và danh tiếng. Và thế là Liễu Nguyệt đã biết đem cái trinh đáng giá nghìn vàng của người con gái để đổi lấy việc đưa một bàn chân còn dính đầy bùn đất đồng quê nhúng vào trong cái xã hội phồn hoa, thật giả trắng đen lẫn lộn, nhưng vẫn là niềm mơ ước của bao người như cô.
Thế là trong mắt hai con hổ đói ấy, họ nhanh chóng trở thành miếng mồi đầy ý vị của nhau, cả hai bên đều muốn nuốt chửng đối thủ của mình, nhưng đều lại không nuốt hết. Đấy chính là một nghịch lý mang tính tất yếu của những con người sống trong buổi giao thời, mọi cái đều chưa định vị. Để che mắt thiên hạ về những cuộc ái ân đắm đuối và vụng trộm kia, Trang Chi Điệp đã không bỏ qua cơ hội choàng lên cuộc đời Liễu Nguyệt một chiếc áo đạo đức sặc sỡ sắc màu, bằng cách định đem Liễu Nguyệt gả bán cho Triệu Kinh Ngũ, một người thông minh đẹp trai, vừa có công đưa Liễu Nguyệt đến giúp việc cho gia đình nhà họ Trang, lại vừa là thuộc hạ của danh nhân để chứng tỏ mình là người luôn quan tâm đến người khác. Nhưng xem ra không ổn vì như thế mũi tên Liễu Nguyệt bắn ra chỉ đến được một đích. Trước một cô gái vừa xinh đẹp trẻ trung, hừng hực sức xuân và thông minh như Liễu Nguyệt, với nhạy cảm vốn có của mình, Trang Chi Điệp không thể để uổng phí một cơ hội như vậy. Cuối cùng danh nhân đã lén lút gả bán cô cho Đại Chính, con trai chủ tịch thành phố, một anh chàng bị thọt một chân, nhưng lắm tiền nhiều bạc lại có địa vị xã hội khá chắc chắn.
Tuy nhiên cái mà Liễu Nguyệt cần chưa hẳn là tiền của, càng không phải là chồng con, mà trước hết là một người thành phố có hộ khẩu và địa vị hẳn hoi không phải chui lủi như kiếp con sen đứa ở. Còn Trang Chi Điệp lại cần phải bằng mọi cách vừa muốn đẩy cô ra khỏi nhà mình như là cách tốt nhất để rút kíp một quả bom nổ chậm, bịt đi những cuộc tình vụng trộm trước đây không chỉ với Liễu Nguyệt mà cả với Đường Uyển Nhi nữa; lại vừa muốn coi đây là cơ hội ngàn vàng để nhờ chủ tịch thành phố can thiệp vào vụ kiện có liên quan đến ông ta, làm tổn thương đến danh dự cá nhân của một danh nhân. Còn vợ của chủ tịch lại cần tìm một người thừa kế và có thể giữ được thanh danh của gia đình và của chồng trong cương vị là người đứng đầu thành phố Tây Kinh, thay vì thằng con trai độc nhất bị dị tật ở chân đi cà nhắc.
Vậy là cả ba bên bốn bề đều đã đạt được ý nguyện của mình. Danh nhân Trang Chi Điệp đã tháo được ngòi một quả bom nổ chậm trong nhà không một ai biết, ngay cả bản thân Liễu Nguyệt, Triệu Kinh Ngũ và Ngưu Nguyệt Thanh cũng không thể nào ngờ tới. Cũng nhờ đó danh tiếng của Trang Chi Điệp ngày càng được củng cố và đã trở thành ân nhân của gia đình ông chủ tịch thành phố. Liễu Nguyệt trong nháy mắt đã trở thành con chuột sa vào một cái chĩnh gạo sang trọng nhất chốn kinh kỳ. Nàng đã có trong tay một người giúp việc, để rồi không bao lâu nữa cô trở thành người mẫu thời trang của ông chủ đoàn ca múa nhạc thành phố Nguyễn Tri Phi. Và cuối cùng gia đình ông chủ tịch cũng đã tìm được cho đứa con trai xấu số của mình một người vợ là người mẫu thời trang. Kể ra như vậy cũng thật mát mặt không chỉ gia đình ông, mà còn cho cả thành phố Tây Kinh, vốn là thủ đô văn hiến một thời nay đang mở cửa để khôi phục lại kinh tế và văn hóa, những cái dường như đã bị lịch sử lãng quên. Mọi việc xem như thế là đã xuôi chèo mát mái. Điều ấy quả thực chỉ có tài năng của Giả Bình Ao mới có thể làm được. Đó là một thành công của tác phẩm.
Qua nhân vật Liễu Nguyệt, tôi chợt liên tưởng đến hàng trăm nghìn cô gái nông dân Việt Nam đang làm Ôsin cho các gia đình khá giả hoặc là phục vụ tại các nhà hàng khách sạn ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng.. . chắc gì số phận đã khá hơn?
Ngưu Nguyệt Thanh, người vợ bất hạnh suốt đời chỉ lo giữ thanh danh cho chồng, thì vô tình bị biến thành kẻ giúp việc đắc lực và thành công nhất trong gia đình của danh nhân Trang Chi Điệp. Ngưu Nguyệt Thanh thực chất chỉ là người theo sau giải quyết các hậu quả của cái danh do chồng mình để lại, từ những công việc nội trợ như cơm nước, giặt giũ, chợ búa... đến những quan hệ chính trị xã hội, và đặc biệt là nhu cầu tình dục. Trong khi quan hệ với cô vợ già Nguyệt Thanh bao giờ Trang Chi Điệp cũng chỉ là một ông chồng bất lực. Còn trong thực tế với Đường Uyển Nhi, Liễu Nguyệt hay A Xán, thì danh nhân Trang Chi Điệp lại luôn tỏ ra là một Từ Hải, đánh hơn trăm trận sức dư muôn người (Nguyễn Du). Cũng vì những lẽ trên mà Ngưu Nguyệt Thanh đã không ít hơn một lần nói với mọi người rằng nếu kiếp sau có được làm người thì cũng không bao giờ làm vợ nhà văn nữa. Nói vậy thôi chứ Chúa chỉ ban cho mỗi người một số phận làm sao có thể cưỡng lại được, một khi cái danh văn sĩ của Trang Chi Điệp lớn đến như vậy. Vả lại cứ xem cái cách lo toan, dàn xếp và chạy vạy vụ kiện cho chồng thì biết Ngưu Nguyệt Thanh là người ý thức rõ hơn ai hết vị thế và giá trị cái danh của chồng bà, mà cả thành phố Tây Kinh này hầu dễ mấy ai có được như vậy, nếu không muốn nói là tất thảy mọi người đều cúi mình xin chịu một lạy trước cái danh ấy.
Còn Đường Uyển Nhi, cô gái đã có chồng ở huyện ly Đồng Quan, cũng bỏ nhà đi theo nhà văn trẻ Chu Mẫn tới thành phố với tham vọng trở thành một người Tây Kinh xịn. Nhưng anh chàng tập sự biên tập Chu Mẫn làm sao có đủ khả năng giúp được cô. Cái danh tiếng lẫy lừng của Trang Chi Điệp đã trở thành tâm bão hút cả người vợ hờ của học trò về phía mình, để rồi trong khoảnh khắc người đàn bà xinh đẹp, giàu nữ tính và đầy tham vọng kia bị những cơn cuồng phong của ái tình nghiến nát. Trong mắt danh nhân, Uyển Nhi mới thực là người trả lại cho mình bản tính đàn ông như là ngọn nguồn của mọi cảm hứng sáng tạo trong ông. Ngược lại Uyển Nhi cũng không bỏ qua cơ hội tìm mọi cách bám vào sự khao khát ái tình được che đậy trong cái vỏ bọc danh nhân, văn sĩ của Trang Chi Điệp. Nhưng điều quan trọng là cô gái nửa quê nửa tỉnh này luôn biết cách làm thỏa mãn những cơn khát ái tình của danh nhân. Chính Đường Uyển Nhi chứ không phải ai khác đã dũng cảm nói lên một chân lý rất giản đơn là không có người đàn ông nào bất lực mà chỉ có những người đàn bà không biết cách. Và cô cũng đã có lần nói với Trang Chi Điệp rằng Uyển Nhi mới là người có đủ tài nghệ và khả năng làm thỏa mãn được danh nhân, chứ không phải là Ngưu Nguyệt Thanh. Còn Trang Chi Điệp tuy không nói nhiều nhưng lại hoàn toàn có thể cảm nhận ở chiều sâu nhân bản trong những cuộc tình mây mưa với cô gái trẻ mà dường như trời đã phú sẵn cho nàng khả năng làm tình đạt đến mức điệu nghệ. Có lần Uyển Nhi đã nhờ cánh chim bồ câu đưa thư mang đến cho người tình một mảnh giấy có hình đôi môi son, một ít máu và cả một cái lông.. . người nữa. Điều đó càng khiến cho danh nhân không thể buông tha được nàng. Và cũng từ đó quan hệ của Uyển Nhi với Chu Mẫn chỉ còn là một mối tình hờ hững, theo kiểu hợp đồng lấy lệ hệt như quan hệ vợ chồng giữa Ngưu Nguyệt Thanh và Trang Chi Điệp. Mặc dù Chu Mẫn biết Uyển Nhi và Thầy Điệp của mình có những biểu hiện về quan hệ tình ái, nhưng là phận bầy tôi, học trò làm sao có thể nói ra điều ấy được. Vả cái anh chàng tập sự biên tập Chu Mẫn vì muốn nổi tiếng và để khẳng định mình mà đã một lần trót dại cho đăng bài báo về quan hệ trước đây giữa danh nhân Trang Chi Điệp và Cảnh Tuyết Ấm đang làm rối tung cả thành phố Tây Kinh lên. Tất cả tâm trí lực của anh ta phải tập trung cho việc giải quyết vụ kiện, thì hỏi còn đâu thời gian và công sức mà để ý đến Uyển Nhi. Cũng lấy danh nghĩa vì vụ việc Chu Mẫn gây ra mà Uyển Nhi và Trang Chi Điệp thỏa sức tung hoành ở Nhà Cầu Nguyệt. Giá như cái cô bé nhà quê tinh quái và đầy ghen tuông Liễu Nguyệt kia không túm được con chim bồ câu mang theo lá thư của Uyển Nhi gửi cho Chi Điệp lần cuối thì chắc rằng mọi chuyện êm thấm cả hay chí ít cũng chuyển theo một hướng khác. Nhưng cuộc đời làm sao lại có thể giá mà được. Sự hấp dẫn của Phế đô chính là ở chỗ cái tưởng như có thể không xảy ra thì nó lại cứ phải xảy ra theo đúng cái logic vốn có của nó.
Ngay đến cả gia đình chủ tịch thành phố danh tiếng và tiền của như trời biển ấy vẫn cần đến danh tiếng của Trang Chi Điệp, thì làm sao trách được gì khi A Xán, một cô gái ở tận nơi sơn thâm cùng cốc sẵn sàng hiến thân cho Trang Chi Điệp cốt để được thơm lây cái danh của người quân tử. Rồi cho đến cả Hạ Tiệp, chị Lưu bán sữa bò, tổng biên tập tạp chí Tây Kinh Chung Duy Hiền, bậc thầy về tướng số Mạnh Vân Phòng, nhà thư pháp nổi tiếng Cung Tịnh Nguyên, họa sỹ chuyên sao chép tranh Uông Hy Miên, trưởng đoàn ca múa nhạc Nguyễn Tri Phi, giám đốc xí nghiệp thuốc trừ sâu giả Hoàng Đức Phúc, nhân viên phụ trách cửa hàng sách Triệu Kinh Ngũ và Hồng Giang.. . tất cả đều quay cuồng trong cái dòng xoáy bất tận và tai quái của cái danh ấy.
Qua Phế đô người đọc có thể thấy ở chốn kinh kỳ xưa, một thời đã là kinh đô hưng thịnh, là trung tâm kinh tế và văn hóa của Trung Hoa trung đại, mặc dù đã bị lãng quên một thời gian dài và cho đến khi nền kinh tế thị trường ùa vào, làm thay đổi đời sống kinh tế và xã hội của mọi thứ dân nơi đây, nhưng dường như chưa hề làm biến đổi được cái máu háo danh của quân tử Tàu từ thời cổ đại. Trong Phế đô chưa thấy ai chết vì lợi mà chỉ chết vì danh. Ngưu Nguyệt Thanh chiều chuộng và hầu hạ chồng gần hết cả đời, cuối cùng cũng phải bỏ nhà về quê ngoại vì không muốn nhìn thấy cảnh chồng mình và Uyển Nhi thậm thụt với nhau làm mất thể diện, thanh danh của gia đình đã một thời nổi tiếng là văn nhân. Cảnh Tuyết Ấm theo kiện Chu Mẫn và Trang Chi Điệp đến cùng vì cái danh của bà hiện tại không muốn bị ai bôi nhọ dù cho mối tình ấy trước đây có thật. Tổng biên tập Chung Duy Hiền vì cuốn sổ đỏ xác nhận cái danh văn sĩ của mình mà bất đắc kỳ tử. Nhà thư pháp Cung Tịnh Nguyên sợ rằng hơn một nửa số tranh chữ ông vẽ và sưu tập trong suốt bao năm trời bị thằng con trai lấy cắp đem bán cho kẻ vô danh tiểu tốt nào đấy, để lấy tiền hút thuốc phiện. Cuối cùng cũng lăn đùng ra mà chết. Vợ của giám đốc Hoàng chết vì bà không phân biệt được đâu là thuốc sâu thật, đâu là thuốc sâu giả, cũng bởi tại một bài báo của Trang Chi Điệp ca ngợi thuốc sâu của xí nghiệp do chồng bà làm giám đốc, chứ thực ra bà không có ý định tự tử thật. Nồi lẩu được Ngưu Nguyệt Thanh nấu bằng chính con chim bồ câu đưa thư của Trang Chi Điệp mua tặng người tình Đường Uyển Nhi dọn ra thết đãi họ là đỉnh điểm của một cách trả thù vì danh rất thâm thúy và cay độc theo kiểu Trung Quốc nói riêng và phương Đông nói chung, tương tự như mẹ Cám đã đem mắm cô Tấm ra thết đãi Hoàng tử trong truyện Tấm Cám của Việt Nam. Cùng với cái chết của Chung Duy Hiền, bức thư của Uyển Nhi gửi cho Trang Chi Điệp qua con chim bồ câu mà Liễu Nguyệt đọc được, hành động lấy que sắt nung đỏ dí vào âm hộ Đường Uyển Nhi của người chồng cũ ở Đồng Quan... thì nồi lẩu cũng là một trong những chi tiết đắt nhất của Phế đô. Bởi vì những cái đó chỉ có ở Trung Quốc và một số nước phương Đông người ta mới làm như vậy. Liễu Nguyệt, Uyển Nhi, A Xán nhảy vào các cuộc tình, hiến mình cho Trang Chi Điệp, đến nỗi cuối cùng A Xán thì trốn chạy, Liễu Nguyệt thì làm vợ của một anh thọt, còn Uyển Nhi bị người chồng cũ trói lại bắt về Đồng Quan đánh cho nát người và bị ngược đãi về tình dục.. ., xét cho cùng cũng đều vì cái danh. Và chính Trang Chi Điệp, kẻ có danh nhất ở thành phố Tây Kinh này kết thúc đời mình bằng cái chết ở nhà ga cũng chỉ vì cái danh của tôi lớn đến mức nó đã ăn thịt hết tất thảy mọi người ở thành phố này và cuối cùng nó quay ra ăn thịt chính bản thân người mang nó, như chính Trang Chi Điệp đã từng thú nhận như vậy ở cuối sách. Tất cả những chi tiết đó là biểu hiện của một kết cục tất yếu tấn bi kịch của tầng lớp trí thức Trung Quốc đương đại. Đó cũng chính là ý nghĩa xã hội rộng lớn và sâu sắc mà Phế đô đã đạt được.
Cái mới của Phế đô là một bộ tiểu thuyết không bố cục theo chương hồi, không có tuyến nhân vật phản diện, cũng không có những trang anh hùng hảo hán như tiểu thuyết truyền thống của Trung Quốc, mà tất cả đều là quân ta, với những quan hệ và diến biến của đời sống tâm lý cá nhân tinh tế và phức tạp. Mặt khác khi miêu tả đến những đoạn về quan hệ tình dục, tác giả chỉ đưa ra những chi tiết có tính chất khơi mào tạo đà cho trí tưởng tượng bay bổng của công chúng bạn đọc mà không sa đà quá mức vào việc miêu tả tỉ mỉ những hoạt động ấy. Việc tự tay tác giả cắt đi và đánh những dấu sao để giữ giới hạn cần thiết đối với những ai kỳ thị bảo thủ, thích soi mói vào những điều mà trình độ dân trí của người Trung Quốc cũng như một số nước khác chưa thể chấp nhận được là việc làm cần thiết, vừa tránh được búa rìu dư luận, lại vừa có thêm cơ hội để tác phẩm có thể hòa nhập sâu rộng hơn đối với đông đảo công chúng. Đấy chính là một biệt tài của Giả Bình Ao. Có lẽ vì thế mà nhiều người đã so sánh và định giá Phế đô ngang hàng với Hồng Lâu Mộng và Kim Bình Mai, là Hồng Lâu Mộng và Kim Bình Mai hiện đại. Còn trong lĩnh vực miêu tả và khắc họa về trí thức thì Phế đô là tác phẩm hay sau cuốn Vây thành?Một thành công nữa của Phế đô là các sự kiện và nhân vật luôn xâu chuỗi và gắn quện với nhau thành một khối thống nhất và hết sức chặt chẽ, tạo nên sự cuốn hút đối với người đọc. Mỗi nhân vật, tính cách đều có số phận rất riêng không ai giống ai. Đằng sau những câu chuyện của mấy ông trí thức nhà văn, Giả Bình Ao đã đặt ra và lý giải rất thấu đáo và tài tình một vấn đề thật sự nghiêm túc không chỉ về khía cạnh lối sống cá nhân của giới trí thức Trung Quốc đương đại, mà còn cả về khía cạnh nhân sinh và xã hội. Đó là vấn đề thành danh và thành công. Không phải bất cứ ai, ở đâu và lúc nào người ta thành danh là đã thành công và trong thực tế cuộc sống nhiều khi lại hoàn toàn trái ngược. Kẻ nào đùa giỡn với cái danh của mình hoặc là dùng cái danh để mưu lợi một cách quá đáng thì trước sau ắt phải trả giá là lẽ đương nhiên. Nhưng những kẻ cố tình lợi dụng danh tiếng hoặc mạo danh người khác cũng không thể nào trốn khỏi sự trừng phạt của số phận. Và quan trọng hơn là nhiều khi vì cái danh mà người ta có thể đánh mất mình và làm đảo lộn cả một trật tự xã hội vốn rất nền nếp và quy củ như Trung Quốc.
Với một bút pháp giản dị đến lạnh lùng, nhưng rất tinh tế, Giả Bình Ao đã đem đến cho chúng ta những trận cười đầy nước mắt, cùng những suy ngẫm về thế thái nhân tình. Nhưng phía sau đó là một quá trình lao động nghệ thuật bền bỉ, công phu và thật sự nghiêm túc của Giả Bình Ao. Tất cả những điều vừa trình bày trên đây đã làm nên những nguyên nhân chính khiến cho Phế đô gây được tiếng vang không chỉ ở Trung Quốc mà nhiều nước trên thế giới. Phế đô thật sự là tiếng chuông cảnh báo đối với những ai đang cố tình nhắm mắt chạy theo cái danh mà Giả Bình Ao muốn gửi đến tất cả chúng ta qua tác phẩm của mình.Xuân Canh Thìn 2000
Đ.N.Y (136/06-00)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét